Mục lục
Sự bùng phát của dịch Ebola năm 2014 và sự lây lan gần đây của đại dịch Covid-19 khiến mọi người quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp khử khuẩn nhằm tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus và mầm bệnh. Năm 1878, tia cực tím (Ultraviolet, UV) bước sóng ngắn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn được công bố bởi Arthur Downes và Thomas P. Blunt[1]. Tia UV lần đầu được sử dụng để khử trùng bề mặt vào năm 1877[2] [3], khử trùng nước vào năm 1910[4], khử trùng không khí vào năm 1935[5]. Đến năm 2001, Châu Âu có hơn 6.000 nhà máy xử lý nước bằng tia UV [6]. Đến nay, phương pháp khử khuẩn bằng tia cực tím (Ultraviolet germicidal irradiation, UVGI) đang ngày càng được sử dụng rộng rãi từ bệnh viện đến văn phòng, và trung tâm hỗ trợ sinh sản cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều nghi ngờ về độ an toàn của các đèn cực tím đối với sức khỏe con người. Bài viết này nhằm mục tiêu đánh giá tổng quan hiệu quả khử khuẩn bằng tia cực tím và các vấn đề an toàn khi sử dụng đèn tia cực tím.
1. Tia cực tím là gì?
Tia cực tím hay còn gọi là tia tử ngoại là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy được nhưng dài hơn bước sóng của tia X.
Dựa trên sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, tia cực tím được chia ra làm 3 loại:
- Tia UV-A: bước sóng từ 315-400 nm còn được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen, UV-A liên quan đến gây lão hóa da và nguy cơ ung thư da ở con người.
- Tia UV-B: bước sóng 280-315 nm còn được gọi là sóng trung, gây tổn thương ADN và là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da và đục thủy tinh thể.
- Tia UV-C: bước sóng ngắn hơn 280 nm còn gọi là sóng ngắn hay sóng có khả năng tiệt trùng. Đây là phần năng lượng cao nhất của phổ bức xạ UV. Bức xạ UV-C từ mặt trời không đến được bề mặt trái đất vì nó bị ngăn bởi tầng ozone trong khí quyển. Do đó, cách duy nhất mà con người có thể tiếp xúc với bức xạ UV-C là từ một nguồn nhân tạo như đèn hoặc tia laser, thường gặp nhất là các loại đèn chiếu tia UV để khử trùng nước, không khí, bề mặt.
2. Hiệu quả khử khuẩn của tia UV-C
Ở bước sóng từ 260-270 nm, tia UV-C sẽ gây phá vỡ các liên kết trong phân tử ADN của vi sinh vật, đồng thời tạo ra dimer thymine có thể giết chết hoặc vô hiệu hóa các vi sinh vật [7].
Một nghiên cứu của James J. McDevitt và cộng sự (năm 2012) thấy rằng tia UV-C có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm vi rút cúm truyền từ người sang người qua đường không khí [8]. Năm 2009, nghiên cứu của A Roderick Escombe và cộng sự cũng chỉ ra rằng tia UV-C có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây truyền bệnh lao[9]. Ngoài ra, tia UV xa (222 nm) cũng được chứng minh là có hiệu quả trong việc bất hoạt vi rút SARS-CoV-2[10]. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn ít dữ liệu về thời gian và các yếu tố cần thiết để việc khử khuẩn có hiệu quả nhất.
3. Tia UV-C ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
Theo khuyến cáo của cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), tia UV-C có thể gây bỏng da và chấn thương mắt nghiêm trọng (viêm giác mạc), nhưng thường hồi phục trong vòng một tuần mà chưa có tổn thương lâu dài được ghi nhận. Vì độ sâu xuyên thấu của tia UV-C là rất thấp, nguy cơ ung thư da, đục thủy tinh thể hoặc mất thị lực vĩnh viễn cũng được cho là rất thấp. Dạng chấn thương mắt khi tiếp xúc với UV-C thường sẽ gây ra đau dữ dội và cảm giác như có cát trong mắt, đôi khi gây triệu chứng mù thoáng qua trong một đến hai ngày. Điều này có thể xảy ra sau một thời gian tiếp xúc rất ngắn (vài giây đến vài phút) với tia UV-C.
Một số đèn UV-C phát ra một lượng nhỏ tia UV-B. Do đó, việc tiếp xúc với liều lượng cao hoặc liều lượng thấp kéo dài từ một số đèn UV có thể gây nên đục thủy tinh thể hoặc ung thư da do tiếp xúc tích lũy với tia UV-B.
Một số đèn UV-C tạo ra khí ozone có thể gây kích ứng đường hô hấp, đặc biệt đối với những người bị nhạy cảm về đường hô hấp như hen suyễn hoặc dị ứng. Tiếp xúc với nồng độ khí ozone cao cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, hoặc làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Gần đây, nghiên cứu của Buonanno và cộng sự chỉ ra rằng tia UV-C xa được tạo ra bởi đèn excimer có bộ lọc phát ra trong dải bước sóng từ 207 đến 222 nm, có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa các vi khuẩn kháng thuốc, kể cả vi rút SARS-CoV-2 hiện nay mà không gây hại cho da của động vật có vú[10-12]. Tuy nhiên chưa có đủ dữ liệu chứng minh về độ an toàn khi sử dụng hoặc phơi nhiễm lâu dài.
4. Dự phòng phơi nhiễm với tia UV-C
Để phòng tránh các rủi ro không mong muốn trong quá trình lắp đặt và sử dụng đèn UV, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Khi mua đèn UV:
Phải biết rõ các thông số của đèn UV, đặc biệt là bước sóng có an toàn cho sức khỏe con người hay không? Đèn có phát ra tia UV-B và tạo ra khí ozone hay không? Đèn có chứa thủy ngân không? Vật liệu nào phù hợp để khử trùng bằng đèn UV?
- Lắp đặt đèn UV:
Lắp tại vị trí mà hiệu quả khử khuẩn tốt nhất đồng thời hạn chế nguy cơ phơi nhiễm tối đa nếu có người vào phòng. Công tắc đèn UV phải có nắp bảo vệ và dấu hiệu cảnh báo để tránh mở nhầm.
- Hướng dẫn và đào tạo nhân viên:
Biên soạn quy trình chuẩn về cách sử dụng đèn UV để khử khuẩn.
Đào tạo về cách phòng tránh phơi nhiễm với đèn UV: không nhìn trực tiếp vào đèn, không vào phòng khi đèn chưa tắt, trước khi vào phải kiểm tra đèn UV đã tắt hay chưa mới vào phòng. Trường hợp đèn bị vỡ, mở cửa thông gió trong 30 phút, sau đó mang găng và xử lý chất thải đúng theo quy định.
Báo cáo với khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị kịp thời nếu có triệu chứng, và theo dõi sức khỏe sau khi phơi nhiễm với tia UV-C.
Kết luận
Việc lắp đặt đèn UV giúp tăng hiệu quả khử khuẩn thay vì chỉ vệ sinh bề mặt vật dụng bằng các dung dịch tẩy rửa. Hiện nay, một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng đèn phát ra bức xạ UV-C xa gây bất hoạt vi khuẩn, vi rút và các vi sinh vật khác mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên loại đèn phát ra tia UV-C xa vẫn chưa được sản xuất rộng rãi, đa phần vẫn sử dụng loại đèn UV-C hơi thủy ngân, đồng thời chưa có đủ bằng chứng cho thấy sự an toàn nếu tiếp xúc lâu dài. Với những loại đèn đang có hiện tại, cần tuần thủ các hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UV-C dù chỉ trong thời gian ngắn.
Bài viết gốc: [HOSREM] Hiệu quả khử khuẩn bằng tia cực tím và các vấn đề an toàn
>>> Xem thêm: [BÁO THANH NIÊN] Tia cực tím tiêu diệt virus gây Covid-19?
BÀI VIẾT MỚI
10 Cách Chăm Sóc Đôi Mắt Sáng Đẹp Áp Dụng Ngay Tại Nhà
Thực hư về câu chuyện ánh sáng điện thoại có hại cho mắt
Vàng Và Trắng, Ánh Sáng Màu Nào Tốt Cho Mắt?
Giải đáp thắc mắc về câu hỏi ánh sáng nào tốt cho mắt
Ánh sáng trắng là gì? Ứng dụng của ánh sáng trắng
Bảng Nhu Cầu Dinh Dưỡng Khuyến Nghị Cho Người Việt Nam
Top 5 Biện Pháp Chống Ô Nhiễm Không Khí Cho Bạn Và Gia Đình
[BÁO THANH NIÊN] Bức xạ mặt trời làm bất hoạt SARS-CoV-2
Vitamin Gì Tốt Cho Mắt? 10 Thực Phẩm Vàng Cho Đôi Mắt Khỏe
Vì Sao Phải Chuẩn Bị Cho Trẻ Vào Lớp 1?
Vi Khuẩn Sinh Sản Chủ Yếu Bằng Cách Nào?
Tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Tư Vấn Đèn Học Cho Bé Loại Nào Tốt Khi Vào Lớp 1
Top 5 Đèn Diệt Khuẩn Giá Rẻ Bạn Không Thể Bỏ Lỡ
Tìm hiểu về những thành phần của không khí
Tìm hiểu về chủ đề khử trùng và khử khuẩn